Cách ổn định đường huyết trước khi đi ngủ
Người bệnh có thể ăn nhẹ, kiểm tra đường huyết trước lúc ngủ, đi dạo nhẹ nhàng… để tránh lượng đường trong máu tăng cao và ngủ ngon hơn.
Người bệnh tiểu đường nên duy trì thói quen đo đường huyết, uống thuốc, tập thể dục và ăn uống để quản lý bệnh. Bạn cũng nên lưu ý lượng đường trong máu cho đến khi đi ngủ. Dưới đây là một số việc nên làm trước khi lên giường giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường và có giấc ngủ chất lượng hơn.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Đo đường huyết định kỳ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn và bác sĩ biết thuốc và các phương pháp điều trị khác có kiểm soát lượng đường trong máu của bạn qua đêm hay không. Đường huyết trước khi đi ngủ nên nằm trong khoảng 90-150 mg/dL.
Ăn nhẹ trước khi đi ngủ
Sống chung với bệnh tiểu đường, bạn có thể gặp "hiện tượng bình minh", tức là vào sáng sớm khoảng 2-8 giờ sáng lượng đường trong máu có thể tăng đột biến.
Sự gia tăng lượng đường trong máu này có thể do các yếu tố như hormone tiết ra vào buổi sáng sớm làm tăng đề kháng insulin, không đủ insulin hoặc dùng thuốc vào đêm hôm trước, ăn vặt nhiều carbohydrate trước khi đi ngủ hoặc gan giải phóng một lượng glucose qua đêm.
Để hạn chế "hiện tượng bình minh", bạn ăn một bữa ăn nhẹ giàu chất xơ, ít chất béo trước khi đi ngủ. Bánh quy làm từ lúa mì nguyên cám với pho mát hoặc táo với bơ đậu phộng là lựa chọn tốt. Những thực phẩm này sẽ giữ cho lượng đường trong máu của bạn ổn định và ngăn gan giải phóng quá nhiều glucose. Một bữa ăn nhẹ không nên vượt quá lượng calo hoặc carbohydrate được khuyến nghị trong ngày. Ăn quá nhiều trước khi ngủ có thể góp phần làm tăng cân, phản tác dụng khi bạn mắc bệnh tiểu đường.
Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo những cách khác nhau. Theo dõi lượng đường trong máu vào buổi sáng để giúp xác định lượng và loại đồ ăn nhẹ có thể tốt nhất cho bạn.
Tránh xa các chất kích thích
Không nên dùng cà phê, sôcôla và soda chứa caffein trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Những thực phẩm và đồ uống có chứa caffein kích thích não và có thể làm bạn tỉnh táo. Người bệnh tiểu đường nên hạn chế uống rượu nếu thấy nó làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Đi dạo
Tập thể dục giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn. Đi bộ ngay sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn cho đến sáng hôm sau.
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, tập thể dục quá gần giờ đi ngủ có thể ảnh hưởng đến tốc độ đi vào giấc ngủ của bạn. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả vì một số người ngủ ngon sau khi tập luyện. Do đó, bạn nên lắng nghe cơ thể và tìm những gì phù hợp nhất với bản thân.
Chuẩn bị phòng ngủ thoải mái
Để ngủ ngon suốt đêm, phòng cần yên tĩnh, mát mẻ, tối và thoải mái. Đóng cửa để mặt trời mọc không đánh thức bạn vào buổi sáng. Bạn có thể lắp rèm che tối hoặc rèm cản sáng trong phòng nếu ánh sáng làm phiền.

Phòng ngủ yên tĩnh giúp bạn ngủ ngon hơn.
Ảnh: Freepik.
Bạn đặt các thiết bị điện tử trong ngăn kéo để các tin nhắn và cuộc gọi đến không đánh thức. Tránh tiếng ồn có thể giúp hormone giấc ngủ hoạt động và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Thư giãn trước khi đi ngủ
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường khó đi vào giấc ngủ hoặc trằn trọc suốt đêm. Đau dây thần kinh, thường xuyên khát nước, đi tiểu và đói đều có thể khiến bạn khó chợp mắt. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để kiểm soát những vấn đề này.
Ngay trước khi đi ngủ, cơ thể được thư giãn và tĩnh tâm tốt cho giấc ngủ. Nên tắm nước ấm, tập yoga nhẹ nhàng hoặc đọc sách, giữ đèn ở mức thấp. Tắt tất cả các thiết bị điện tử khác vì chúng phát ra một loại ánh sáng xanh có thể kích thích não.
Nếu bạn không thể đi vào giấc ngủ ngay lập tức thì có thể rời khỏi phòng và đọc hoặc làm một hoạt động yên tĩnh khác trong 15 phút, sau đó trở lại giường khi buồn ngủ.
Nguồn Healthline